Danh hiệu nghệ nhân Nghệ_nhân

Nghệ nhân dân gian

Nghệ nhân dân gian là danh hiệu cao quý do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao cho những người có thành tích đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa phi vật thể, giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như hát chèo, ca trù, quan họ, hát xoan, chầu văn…

Nghệ nhân ưu tú

Đối tượng được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú phải đạt các tiêu chuẩn sau:[2]

  1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho mọi người và đồng nghiệp noi theo;
  2. Là người thợ giỏi tiêu biểu được đồng nghiệp thừa nhận, có thâm niên trong nghề tối thiểu 15 năm, có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, sáng tác thiết kế được 10 mẫu sản phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao đã trực tiếp làm ra trên 15 tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật;
  3. Là người có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội:
    • Có nhiều thành tích trong việc giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề cho trên 100 người, sáng tạo và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ;
    • Là Nghệ nhân đầu đàn tiêu biểu được đồng nghiệp thừa nhận, quần chúng mến mộ, kính trọng;
  4. Có tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao, được tặng giải (loại vàng hoặc bạc) tại các hội chợ triển lãm quốc gia hoặc quốc tế.

Nghệ nhân nhân dân

Đối tượng được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân phải đạt các tiêu chuẩn sau:

  1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức tốt, tận tuỵ với nghề, gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho mọi người và đồng nghiệp noi theo;
  2. Là người thợ giỏi xuất sắc được đồng nghiệp thừa nhận, có thâm niên trong nghề tối thiểu 20 năm; đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú từ 5 năm trở lên; có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, sáng tác thiết kế được 10 mẫu sản phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao đồng thời đã trực tiếp làm ra trên 20 tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật;
  3. Là người có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội:
    • Có nhiều thành tích trong việc giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề cho trên 150 người, sáng tạo và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ;
    • Tiếp tục giữ vững và phát huy ảnh hưởng của Nghệ nhân ưu tú. Là Nghệ nhân ưu tú tiêu biểu xuất sắc được đồng nghiệp thừa nhận, quần chúng mến mộ, kính trọng;
  4. Đạt giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế tính từ sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.